Đất Nông Nghiệp Là Gì?
Trước khi tìm hiểu sâu về thủ tục mua bán đất nông nghiệp, chúng ta cần hiểu rằng đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp, bao gồm: chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng,... Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu, vừa là tài liệu lao động vừa là đối tượng lao động, đặc biệt không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp.
Phân Loại Đất Nông Nghiệp
Căn cứ vào Luật đất đai 2013, đất nông nghiệp được chia ra thành nhiều loại khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng, bao gồm:
Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm
Đất nông nghiệp phục vụ cho chăn nuôi
Đất trồng cây lâu năm
Đất rừng sản xuất
Đất rừng phòng hộ
Đất rừng đặc dụng
Đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối
Đất nông nghiệp khác
Đất nông nghiệp có được chuyển sang đất ở thổ cư không?
Pháp luật quy định rất rõ ràng và cụ thể, đất hoa màu là đất nông nghiệp và đất để ở là đất phi nông nghiệp (đất thổ cư).
Trong trường hợp bạn có mong muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Theo điểm d Khoản 1 Điều 57 Chương 5 Luật đất đai 2013 và Khoản 4 Điều 95 Chương 7 Luật đất đai năm 2013 chỉ rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư thì phải được cấp phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Căn cứ để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo:
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND quận ( huyện), nơi có đất nông nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Người dân nên chủ động đến trực tiếp UBND (quận) huyện để hỏi rõ về kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện mình, tìm hiểu xem địa phương mình đang có đất nông nghiệp có nằm trong diện quy hoạch hay không.
Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…
Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn chuyển mục đích sử dụng đất.
Các trường hợp có thể chuyển đổi đất nông nghiệp bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Điều kiện mua bán đất nông nghiệp
Dựa trên Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền của mình, trong đó có quyền mua bán (chuyển nhượng quyền sử dụng đất) như sau:
Vẫn trong thời hạn sử dụng đất.
Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
Đất không có tranh chấp.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
>>> Xem thêm: Tra Cứu Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Nhanh, Chính Xác
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai 2013, khi chuyển nhượng đất nông nghiệp, cần đáp ứng một số các điều kiện quy định sau:
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng nông nghiệp.
- Cá nhân, hộ gia đình không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho, quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hay phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
- Việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp có hạn mức được quy định tại Điều 130 Luật Đất đai và quy định chi tiết tại Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Những trường hợp bị hạn chế, cấm chuyển nhượng đất nông nghiệp
Theo Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định 04 trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất:
- Trường hợp 1: Tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
- Trường hợp 2: Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng nông nghiệp.
- Trường hợp 4: Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Tổ chức, cá nhân nào cố tình thực hiện chuyển nhượng, tặng cho đối với các trường hợp nêu trên thì sẽ bị xử phạt theo quy định theo Điều 19 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
0 Nhận xét